26/08/2022
Họp Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng
Ngày 25/8/2022, tại Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng tổ chức cuộc họp thành viên Ban Chỉ đạo để đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; đồng thời, lấy ý kiến đối với dự thảo Kế hoạch hỗ trợ, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã tỉnh Sóc Trăng năm 2023 và dự thảo Chương trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo - Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình hoạt động 6 tháng đầu năm 2022 và triển khai nhiệm vụ, công tác trọng tâm 6 tháng cuối năm 2022; một số Sở ngành, đơn vị liên quan báo cáo về tình hình, khó khăn, vướng mắc, đề xuất, kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới.
Ảnh: Toàn cảnh cuộc họp của Ban Chỉ đạo
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, đồng chí Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh - Trưởng Ban Chỉ đạo Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể tỉnh Sóc Trăng khẳng định kinh tế hợp tác, hợp tác xã là xu hướng tất yếu của nền kinh tế hiện đại; cụ thể, khu vực kinh tế tập thể tiếp tục phát triển tại các địa phương; nhận thức của người dân, doanh nghiệp về tổ chức sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã được nâng lên. Số lượng hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã thành lập mới tiếp tục tăng; quy mô và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của các hợp tác xã được cải thiện. Mô hình hợp tác xã sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực của tỉnh ngày càng được mở rộng, trở thành xu thế chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất để hợp tác xã nâng cao hiệu quả phát triển bền vững. Ngoài ra, các địa phương đã chỉ đạo thực hiện phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình OCOP,... đã góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống, đảm bảo an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều hợp tác xã hoạt động yếu kém hoặc duy trì hoạt động ở mức trung bình, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp một số dịch vụ thiết yếu cho thành viên.
Từ đó, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đã yêu cầu Thường trực Ban Chỉ đạo tham mưu Trưởng ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách địa phương và hợp tác xã cơ sở để các thành viên tăng cường đi cơ sở, rà soát, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của Hợp tác xã, thành viên Hợp tác xã; từ đó, theo chức năng, nhiệm vụ được giao, hỗ trợ xử lý các khó khăn, vướng mắc của Hợp tác xã; trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để giải quyết kịp thời.
Các Sở ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao, cần làm tốt vai trò quản lý nhà nước trong việc củng cố, chấn chỉnh, kiện toàn công tác tổ chức tại các Hợp tác xã để hỗ trợ xây dựng mô hình hợp tác xã hoạt động hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, truy xuất được nguồn gốc, liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm của hợp tác xã, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm; đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực quản trị, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh cho Hội đồng quản trị hợp tác xã; đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học, kỹ thuật, khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động sản xuất; lồng ghép Chương trình hỗ trợ khuyến công với hỗ trợ phát triển hợp tác xã. Tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối giữa các hợp tác xã và giữa hợp tác xã với doanh nghiệp nhằm mở rộng liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị phát triển bền vững.
Phòng Nông nghiệp - Tài nguyên